Tại sao những người theo đạo Sufi nói rằng con người là một cái máy?

Họ nói vậy là bởi con người chính là một cái máy. Con người, suy cho cùng, hoàn toàn vô thức. Con người không là gì khác ngoài các thói quen, một tập hợp các thói quen.

Con người là một con rô- bốt. Con người vẫn chưa phải là con người: nếu sự tỉnh thức không đi vào trong cuộc đời bạn, bạn sẽ mãi là một cái máy.

Chính vì vậy, những người theo đạo Sufi nói rằng con người là một cái máy. Khi Gurdjieff giới thiệu với phương Tây ý tưởng con người là một cái máy thì ý tưởng đó chính là bắt nguồn từ những người theo đạo Sufi. Khi lần đầu tiên Gurdjieff nói rằng con người là một cái máy thì nó đã gây sốc cho nhiều người. Nhưng điều ông nói là sự thật.

Bạn rất hiếm khi tỉnh thức.

Trong toàn bộ 70 năm cuộc đời, bạn sống một cuộc đời bình thường thì bạn sẽ không có nổi dù chỉ bảy khoảnh khắc tỉnh thức.

Và ngay cả khi bạn có nổi 7 khoảnh khắc tỉnh thức đó thì chúng cũng chỉ là tình cờ. Ví dụ, bạn có thể có một khoảnh khắc tỉnh thức khi một người nào đó đột nhiên đi đến chĩa súng vào ngực bạn. Trong khoảnh khắc đó, suy nghĩ của bạn, suy nghĩ theo thói quen của bạn, dừng lại. Trong một khoảnh khắc, bạn trở nên tỉnh thức vì tình huống quá nguy hiểm. Bạn không thể tiếp tục ở trong trạng thái mê ngủ như thường lệ.

Trong một vài tình huống nguy hiểm, bạn trở nên tỉnh thức, còn lại thì bạn ở trong trạng thái ngủ sâu. Bạn rất giỏi trong việc hoạt động như một cái máy.

Chỉ cần đứng ở bên đường và quan sát mọi người, bạn sẽ thấy tất cả họ đều đang vừa đi vừa ngủ. Tất cả họ đều là những kẻ mộng du.

Và bạn cũng vậy.

Có hai người vô gia cư bị bắt và bị buộc tội giết người. Bồi thẩm đoàn tuyên án họ có tội và thẩm phán kết án họ sẽ bị tử hình bằng hình thức treo cổ.

Hai người chịu đựng khá tốt cho đến trước buổi sáng của ngày thi hành án. Khi họ đang chuẩn bị phải lên giá treo cổ, một người quay sang người kia mà nói: “Trời ạ! Tôi phát điên lên mất! Đầu óc tôi loạn hết cả lên rồi. Đến hôm nay là thứ mấy tôi cũng chẳng biết nữa.”

“Hôm nay là thứ hai” người kia trả lời.

“Thứ hai à? Trời! Mới đầu tuần mà đã đen!”

 

Hãy quan sát bản thân mình. Thậm chí đến tận khi chết, mọi người vẫn tiếp tục lập lại các thói quen cũ. Con người luôn hành động theo phản xạ. Thế nên những người theo đạo Sufi mới nói con người là một cái máy.

Trừ phi bạn bắt đầu phản ứng, trừ phi bạn bắt đầu có trách nhiệm. Phản xạ bắt nguồn từ quá khứ, phản ứng bắt nguồn từ khoảnh khắc hiện tại. Phản ứng là ngẫu hứng, phản xạ chỉ là thói quen cũ.

Hãy quan sát bản thân mình. Người phụ nữ của bạn nói gì đó với bạn, sau đó, dù bạn nói điều gì đi nữa, hãy quan sát và suy ngẫm về nó. Nó có phải chỉ là một phản xạ không? Và bạn sẽ ngạc nhiên: 99% các hành động của bạn không phải là các hành động vì chúng không phải là các phản ứng, chúng chỉ mang tính máy móc. Chỉ mang tính máy móc mà thôi.

Chuyện này đã và đang xảy ra hết lần này đến lần khác: bạn nói cùng một điều và người phụ nữ của bạn phản xạ theo cùng một cách, rồi bạn phản xạ lại, và nó kết thúc theo cùng một kiểu hết lần này đến lần khác. Bạn và người phụ nữ đó đều biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.

Tôi từng nghe . ...

“Cha ơi” một đứa bé mười tuổi hỏi, “chiến tranh bắt đầu như thế nào ạ?”

“Thế này nhé, con trai” người cha bắt đầu giải thích “Giả sử Mỹ cãi nhau với Anh...”

“Mỹ đâu có cãi nhau với Anh” người mẹ xen ngang.

“Ai nói thế đâu?” Người cha nói, tỏ rõ sự khó chịu, “Tôi chỉ đang giả sử thôi”

“Vớ vẩn!” Người mẹ lên giọng. “Anh chỉ toàn nhồi nhét những thứ sai lệch vào đầu con thôi”

“Vớ vẩn cái gì mà vớ vẩn!” người cha đáp trả. “Nếu nó nghe em thì nó sẽ chẳng có thứ gì trong đầu hết”.

Ngay khi màn ném đĩa sắp sửa diễn ra thì đứa bé lên tiếng. “Con cám ơn cha, con cám ơn mẹ. Con biết chiến tranh bắt đầu như thế nào rồi ạ.”

 

Hãy quan sát bản thân mình. Những việc mà bạn đang làm, bạn đã làm quá nhiều lần rồi. Những cách mà bạn phản xạ, bạn đã luôn phản xạ như thế. Trong cùng một tình huống, bạn luôn hành động theo cùng một cách. Khi cảm thấy căng thẳng, bạn sẽ lấy một điếu thuốc ra, và bắt đầu hút. Đó là một phản xạ, bất cứ khi nào cảm thấy căng thẳng, bạn đều làm như thế.

Bạn là một cái máy. Giờ bên trong bạn chỉ là một chương trình đã được lập trình sẵn: bạn cảm thấy căng thẳng, bạn cho tay vào túi, bạn lấy bao thuốc ra. Chẳng khác gì một cái máy đang làm việc. Bạn lấy một điếu thuốc ra, đưa lên miệng, châm lửa, tất cả những việc này diễn ra một cách tự động. Chúng ta đã thực hiện hàng triệu lần rồi, và bạn đang thực hiện thêm một lần nữa.

Và mỗi lần bạn thực hiện, chúng được củng cố, cái máy trở nên tự động hơn, cái máy trở nên khéo léo hơn. Bạn thực hiện càng nhiều, bạn càng cần ít sự tỉnh thức khi thực hiện.

Thế nên những người theo đạo Sufi mới nói rằng con người hoạt động như một cái máy. Trừ phi bạn bắt đầu phá bỏ những thói quen máy móc này... Ví dụ, hãy làm ngược lại những gì bạn vốn luôn làm.

Hãy thử đi, bạn về nhà, bạn lo sợ. Bạn lại về muộn như mọi khi, và vợ bạn thế nào cũng sẽ sinh sự với bạn. Bạn đang nghĩ xem nên trả lời như thế nào, nên nói gì – công việc bận quá, rồi lý do này , lý do nọ... Cô ấy biết tất cả những điều bạn nghĩ và cô ấy còn biết bạn sẽ trả lời như thế nào khi cô ấy hỏi lý do bạn về muộn. Bạn biết nếu bạn về muộn vì công việc bận quá, cô ấy sẽ không tin. Cô ấy chưa bao giờ tin điều đó. Có thể cô ấy đã kiểm tra rồi, có thể cô ấy đã gọi điện đến công ty bạn, có thể cô ấy đã hỏi xem bạn ở đâu. Nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là một khuôn mẫu.

Ngày hôm nay, hãy về nhà và hành động hoàn toàn khác. Nếu vợ hỏi: “Anh đã đi đâu?” thì bạn hãy trả lời “Anh đi ngoại tình”, rồi xem chuyện gì xảy ra. Cô ấy sẽ bị sốc! Cô ấy sẽ không biết phải nói gì, cô ấy thậm chí sẽ không tìm được từ nào để diễn tả. Trong một khoảng khắc, cô ấy sẽ hoàn toàn cứng họng vì không một phản xạ nào, một khuôn mẫu nào được lập trình sẵn cho tình huống này.

Hoặc có thể cô ấy đã trở nên quá máy móc rồi và cô ấy sẽ đáp lại “Em không tin” – giống như cách cô ấy đáp lại mọi điều khác mà bạn nói, “Anh đùa chứ gì!”

....

Một bệnh nhân đến khám bác sỹ phân tâm học vì “Tôi luôn cảm thấy sợ về nhà, vợ tôi luôn có bộ dạng khốn khổ, buồn bã, u ám đến mức làm tôi mất hết cả tinh thần.” Bác sỹ đã chỉ cho anh ta cách chữa: “Hôm nay, hãy mua hoa, mua kem, mua kẹo cho vợ, và khi cô ấy mở cửa, hãy ôm hôn cô ấy. Sau đó, hãy ngay lập tức bắt tay vào giúp đỡ cô ấy làm việc nhà: lau bàn, rửa chén, lau sàn,... Hãy làm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ mà anh chưa từng làm trước đây.”

Và khi anh chàng hoàn thành tất cả những điều trên, thì người vợ bắt đầu khóc. Người vợ nức nở: “Có phải anh bị điên rồi không? Em biết mà. Kiểu gì cũng có lúc anh phát điên. Giờ anh bị điên thật rồi. Anh có muốn đi khám bác sỹ không?”

Hãy hành động hoàn toàn khác, và không chỉ những người khác sẽ ngạc nhiên, bạn cũng sẽ ngạc nhiên.

Chỉ cần thay đổi những việc nhỏ. Ví dụ: khi bạn cảm thấy căng thẳng, bạn sẽ đi nhanh. Đừng đi nhanh, hãy đi chậm và quan sát. Đi thật chậm, chậm chưa từng thấy. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng việc đó không ăn nhập , toàn bộ tâm trí máy móc của bạn sẽ ngay lập tức lên tiếng: “Ngươi đang làm gì vậy? Ngươi có bao giờ làm như thế này đâu!” Và nếu đi chậm, bạn sẽ ngạc nhiên: sự căng thẳng biến mất vì bạn đã mang đến một điều mới. Đây chính là phương pháp Vipassana và Zazen.

.....

 

Theo Osho.