Ăn chay ngày nay đã không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Đồng thời, hình thức, phương pháp và mục đích ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú. Điều này xuất phát từ việc mọi người ăn chay theo những trường phái khác nhau, có thể kể ra một số trường phái như sau:

  • Ăn chay tuyệt đối (Vegan): Những người theo trường phái ăn chay tuyệt đối đều không ăn thịt, các loài gia cầm, thủy hải sản, trứng, sữa cũng như các sản phẩm làm từ trứng, sữa hay có nguồn gốc động vật.
  • Ăn chay có trứng sữa (Ovolactovegetarian): Những người ăn chay theo trường phái này cũng nói không với thịt cá giống nhóm ăn chay tuyệt đối. Tuy nhiên, họ vẫn có thể ăn trứng, uống sữa và ăn những sản phẩm được làm từ trứng, sữa. Hầu như những người theo nhóm này là người Mỹ theo Đạo Phật hoặc các nhóm nhân đạo phản đối việc sát hại động vật…. Ăn chay theo Đạo Phật còn kiêng một số loại rau trong chi hành có mùi thơm đặc trưng như: hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu.
  • Ăn chay có sữa (Lactovegetarian): Khi theo trường phái ăn chay có sữa, người ta sẽ phải kiêng thịt, cá và không ăn trứng hay các sản phẩm làm từ trứng. Tuy nhiên, họ lại có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như kem, pho mát… Những người tập Yoga thường lựa chọn theo trường phái ăn chay này.
  • Ăn chay kiêng thịt động vật bốn chân: Người ăn theo trường phái này sẽ không ăn thịt động vật bốn chân, ít ăn gia cầm song vẫn ăn các món ăn có nguồn thực phẩm từ cá. Theo quan niệm của người phương Tây và người Nhật thì hải sản cũng được xem như thực vật; người Pháp thì xem hải sản như “hoa quả của biển”. Vậy nên đây chính là trường phái ăn chay phổ biến của các Thiền phái Nhật Bản
  • Ăn chay sống hay ăn chay tươi (Raw foodism): Theo trường phái này, người ta chỉ ăn các loại trái cây tươi chưa nấu chín, các loại hạt và rau củ. Đôi khi, rau củ có thể chỉ được nấu chín lên đến một nhiệt độ nhất định. Chỉ cho phép ăn các loại trái cây, các loại hạt, hạt giống và thực vật khác nếu việc thu hoạch những thực phẩm này không gây hại đến cây trồng

Dù bạn lựa chọn ăn uống theo trường phái nào, chay hay mặn, chúng ta cũng nên biết ơn mỗi thực phẩm mà ta có được. Không chỉ động vật mới có linh hồn, cây cỏ cũng có hồn. Vì vậy, biết quý trọng thức ăn là điều quan trọng cần thiết.

Chúng ta cũng nên ăn đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc, nhiều mùi vị, đem lại sự cân bằng dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn.

Một điểm quan trọng nữa, đối với các bạn đang theo chế độ ăn chay, mà cảm thấy không đủ năng lượng, không đủ chất. Ngoài việc xem lại sự kết hợp đa dạng các nhóm thức ăn, chú ý tăng lượng tinh bột và đạm qua các loại ngũ cốc, đậu, hạt,... Thì cần xem xét lại các loại thực phẩm có được canh tác tự nhiên, có đủ thời gian hấp thụ năng lượng của trời đất, hay chỉ canh tác ngắn ngày, phun xịt thuốc cho nhanh lớn và thu hoạch. Điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng dinh dưỡng mà người ăn thu nhận được.

Trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật ngày nay, rất nhiều thực phẩm cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày đã trở nên trống rỗng. Gà, vịt, lợn, bò nuôi bằng thuốc tăng trọng. Lợn nuôi 03 tháng đã lên hàng tạ, gà đẻ 03 quả trứng một ngày. Trong khi đó, ngày xưa nuôi một con lợn từ 4-5 kg mất cả năm mới được 50-60 kg. Gà vịt cho ăn thật tốt vào ngày mùa may lắm đẻ ngày một quả, còn thường phải cách nhật. Các loại thịt thu được từ nuôi công nghiệp, thúc ép như vậy, thường có vị nhạt nhẽo. Rau ăn cũng thế, su hào, bắp cải, bí đao, đậu xanh, mồng tơi chỉ cần thêm chút thuốc kích thích sinh trưởng, sẽ lớn vù vù, trông thì rõ ngon, nhưng ăn vào chẳng rõ sẽ ra sao. Qua đó, ta thấy hiện lên một sự thật, thực phẩm ngày nay đã bị kém chất lượng rất nhiều. Trong khoa học gọi là thực phẩm rỗng.

Vì thế, ngoài lựa chọn theo trường phái ăn chay hay ăn mặn, chúng ta còn phải cân nhắc nhiều vấn đề khác trong lựa chọn thực phẩm, để đạt được một sức khỏe tốt nhất cho bản thân và gia đình.

 

Hương Huỳnh.