Ở nước ta, một số vùng nông thôn còn lưu truyền niềm tin cây cỏ có tình cảm như con người. VD khi có người trong gia đình qua đời, thân nhân lấy vải trắng cột vào cây cối trong vườn cho chúng “chịu tang”. Nếu không, chúng sẽ buồn tủi, héo tàn rồi chết. Hoặc  muốn cây ra hoa, kết trái, người ta đến bên cây trách mắng, hoặc vỗ về. Chắc hẳn những người có đầu óc hiện đại cho đó là mê tín hoặc nghĩ đó là một cách giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái. Thật ra, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy cỏ cây cũng rất “hữu tình”.

Vào thế kỷ 18, nhà thực vật học người Pháp Rauol France có viết một tác phẩm nhan đề “La vie Secrète des Plantes” (Đời sống bí ẩn của cỏ cây). Trong đó, ông mô tả các loài thảo mộc đều có những đặc tính của sinh vật kể cả “phản ứng chống lại sự ngược đãi và biết ơn sâu đậm lòng thiện hảo”. Ông cho rằng “tính biết”  (tri giác) của cỏ cây bắt nguồn từ cõi siêu vật chất, nhưng những khám phá của ông bị giới khoa học thời bấy giờ xem là ngây thơ và lãng mạn.

Tuy nhiên, vào thập niên 1920, công trình nghiên cứu của Giáo sư Clever Backster, giảng viên Trường huấn luyện sử dụng máy dò nói dối của Hoa Kỳ, mới thật sự gây chú ý cho giới khoa học. Thoạt đầu chỉ là sự tò mò, trong lúc tưới nước cho cây huyết dụ trồng trước phòng làm việc, ông nảy ý muốn biết lá cây chịu tác dụng của nước ngấm từ rễ lên lá như thế nào, nên gắn các điện cực của máy dò vào một chiếc lá thì thấy máy ghi được một biểu đồ giống như biểu đồ ghi nhận ở một người đang xúc động. Hết sức ngạc nhiên, ông định quẹt diêm đốt chiếc lá để xem thử ra sao. Mới nghĩ như thế, kim ghi của máy đã vạch một đường vọt lên cao, chứng tỏ chiếc lá “dường như sợ hãi” khi bắt được ý tưởng độc ác của ông. Một lúc sau, ông quẹt diêm cháy, nhưng trong đầu chỉ có ý hù dọa thì kim vạch một đường thấp hơn. Ông liền đưa que kim nhứ như chực đốt thì không thấy phản ứng gì nữa, dường như chiếc lá phân biệt được ý định thực hoặc giả của ông. Giáo sư Backster làm lại thí nghiệm này trên nhiều loài cây khác và thu được kết quả như nhau.

Một nhà khoa học khác là Tiến sĩ điện tử Paul Sauvin cũng làm thí nghiệm giao cảm với cây nhưng với khoảng cách xa. Ngồi tại nhà ở New Jersey, Hoa Kỳ, ông suy tưởng mạnh mẽ đến một cây thường xuân đặt trong phòng thí nghiệm cách đó khoảng 4 km. Khi nhận được thông tin “ra lệnh” bằng tâm ý của ông, cây liền “phát sóng điện”, làm bật lửa bu-gi của một chiếc xe hơi nằm kế cận khiến máy xe khởi động.

Dựa vào phương pháp nghiên cứu của Backster, Giáo sư hóa học Marcel Vogel thuộc công ty máy tính IBM cũng nhận thấy cỏ cây có khả năng cảm biết ý nghĩ của con người. Trong một thí nghiệm, ông cho các học trò của ông ngồi nói chuyện với nhau gần một cây kiểng và máy đã ghi được một biểu đồ cho thấy cây “tỏ ra buồn chán” khi cuộc tọa đàm xoay quanh vấn đề kỹ thuật, máy móc, nhưng trở nên “phấn khởi” khi đám học trò chuyển qua đề tài tình yêu đôi lứa. Nữ giáo sư Dorothy Rattalack thuộc trường đại học Temple Buell ở bang Colorado, Hoa Kỳ cũng cho biết những cây bà trồng làm thí nghiệm thường héo úa và chết khi được cho “nghe” liên tục nhạc kích động, nhưng tăng trưởng mạnh khi được “nghe” nhạc êm dịu.

Nhà di truyền học người Anh Luther Burband nhận định: “Bí mật của việc tạo giống cây là tình thương”. Một trong những thí nghiệm của ông là tạo ra giống xương rồng không gai. Ông đem trồng một số cây xương rồng có gai và ngày ngào cũng chăm sóc kèm theo lời vỗ về “Các con đừng lo sợ gì cả, các con không cần có gai để tự vệ. Ta sẽ bảo vệ các con”. Vài năm sau, các cây sa mạc này phát triển thành loài cây không gai.

Nhận định của Giáo sư Burband trùng hợp với kết luận: “Cầu nguyện có tác dụng tốt lành” của Tiến sĩ hóa học Franklin Loehr ở Mỹ sau một thời gian nghiên cứu nghiêm túc với thí nghiệm điển hình là “trồng đậu”. Trong thí nghiệm này, Tiến sĩ Loehr gieo cùng một loại đậu hạt được tuyển chọn giống nhau trên hai cái đĩa đồng dạng chứa cùng một loại đất, rồi hằng ngày ông tưới bón cả hai như nhau, nhưng ông thốt lời nguyền rủa, cay đắng với một đĩa; còn đĩa kia thì được ông cầu nguyện chúc phúc. Kết quả, ở đĩa bị nguyền rủa, đậu không nẩy mầm hoặc có đi nữa cũng cằn cỗi. Trái lại, đậu ở đĩa được cầu nguyện thì phát triển tốt tươi.

Ngoài ra, cỏ cây cũng có những phản ứng tâm sinh lý đối với “thức ăn” như con người. Tiến sĩ Jagadis Chunder Bose, nhà sinh lý cây trồng ở Ấn Độ, dùng máy rọi những mẫu cây thí nghiệm lớn gấp mười triệu lần để quan sát và nhận thấy cây bị “kích thích” khi được tiêm chất cafein vào thân hoặc bị “say” khi bị tiêm rượu mạnh.

Trở lại với Giáo sư Backster. Ngày nọ có một bà Tâm lý học đến gặp Giáo sư với mong muốn chứng kiến thí nghiệm của ông. Những cây đầu tiên không có phản ứng gì, biểu đồ ghi một đường thẳng tắp, dường như cây đã “ngất xỉu”, các cây khác thì tỏ ra sợ hãi vô cùng. Ông bối rối hỏi khách: “Trong các thí nghiệm trước đây của bà, có khi nào bà làm hại cây không?” Nhà tâm lý học đáp: “Có, thường sau khi thí nghiệm về cây cỏ, tôi đốt chúng cho khô để phân tích”. Khoảng 45 phút sau khi bà “phát xít” ra về các cây của Giáo sư Backster mới “hoàn hồn” phản ứng bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu, những bằng chứng về “tri giác của cỏ cây” sẽ giúp con người hiện đại có cái nhìn mới mè, biết quý trọng môi trường xanh, nhất là những rau củ dùng làm thực phẩm, nhờ đó, họ sẽ cẩn thận hơn trong cách ăn cách ở hằng ngày.

Trích sách “Vui khỏe đường tu – Ngô Ánh Tuyết – Chân Phương”